HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LẦN THỨ 3 VỀ “ENZYME VÀ POLYSACARIT BIỂN- MEP’23”
THE 3rd SYMPOSIUM ON MARINE ENZYMES AND POLYSACCHARIDES
Polysacarit là một nhóm hợp chất phong phú nhất trên Trái đất. Sự đa dạng về cấu trúc và hoạt tính sinh học cùng độc tính thấp của các polysacarit đã khiến chúng có triển vọng trở thành các loại thuốc và vật liệu y tế mới. Polysacarit không những có thể là tác nhân chữa bệnh mà còn đóng vai trò là chất mang thuốc, chất phụ trợ cho các dạng dược liệu, nguyên liệu dược bào chế.
Hội thảo khoa học Quốc tế về “Enzyme và Polysacarit biển” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, lần thứ hai vào năm 2017 đã tạo những cơ hội quý giá cho các chuyên gia, các nhà khoa học trên nhiều quốc gia được tiếp cận và trao đổi, học hỏi lẫn nhau về các hoạt động nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực liên quan đến enzyme và polysacarit có nguồn gốc từ biển. Tiếp nối các kết quả đạt được và kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Hóa sinh Hữu cơ Thái Bình Dương -Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ 3 về “Enzyme và Polysacarit biển- MEP’23” trong thời gian từ ngày 04/12 đến ngày 05/12 năm 2023, tại Trung tâm Nghiên cứu và Sáng tạo Hòn Chồng, Đồi Hòn Chồng, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, TP. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.
Các nội dung chính của Hội thảo bao gồm:
- Enzyme biển: sản xuất, tính chất và ứng dụng;
- Vi khuẩn và nấm biển: đa dạng sinh học và tiềm năng công nghệ sinh học;
- Polysacarit biển: cấu trúc và hoạt tính sinh học;
- Polysacarit biển: nguồn vật liệu sinh học và hệ thống phân phối thuốc;
- Các hợp chất trọng lượng phân tử thấp từ biển: cấu trúc, hoạt tính sinh học và chuyển hóa enzyme.
Hội thảo gồm khoa học được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm tổng kết, trao đổi các kết quả và thành tựu nghiên cứu, những tiến bộ mới trong nghiên cứu khoa học trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến enzyme và polysacarit có nguồn gốc từ biển trong những năm qua. Hội thảo đã tạo môi trường học thuật để các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và ý tưởng hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững; Thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế trong khoa học trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến enzyme và polysacarit nói riêng và ngành khoa học biển nói chung.
Thông qua việc trao đổi thông tin và thảo luận tại hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được các kiến nghị và ý kiến đóng góp trong định hướng nghiên cứu, hợp tác triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển nhằm đưa khoa học vào thực tiễn khai thác bền vững tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Một số hình ảnh của Hội thảo khoa học:
|
|
Các nhà khoa học tham dự và trao đổi tại Hội thảo |
PGS. TS. Phạm Đức Thịnh-Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc
Bà Shepetova Natalia Mikhailovna, Trợ lý đối ngoại của Viện trưởng Viện Hoá sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trình bày báo cáo về mối quan hệ hợp tác của hai đơn vị trong suốt 20 năm qua
PGS. TSKH. Mikhail I. Kusaykin, Viện Hoá sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trình bày báo cáo khoa học “Cấu trúc và sự chuyển hóa Fucoidan bằng Enzyme” (Structure and transformation of fucoidans with enzymes)
TS. Cao Thị Thúy Hằng trình bày báo cáo khoa học “Sàng lọc vi khuẩn biển hiếu khí từ hải sâm có khả năng chuyển hóa polysacarit rong nâu” (Screening of brown algal polysaccharide modifying enzymes-producing aerobic marine bacteria from sea cucumber).